Công nghệ số tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đòi hỏi việc đổi mới giáo dục - đào tạo phải gắn bó chặt chẽ với tiến bộ khoa học - công nghệ; bên cạnh việc đảm bảo số lượng nhân lực cho các ngành, nghề cần chú trọng hơn nữa vào chất lượng, hiệu quả. Đối với mạng lưới trường sưphạm, càng phải tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên trình độ cao, phát triển năng lực tự học, thích ứng và sáng tạo, bởi lẽ đội ngũ này có tác động đáng kể đến hàng chục triệu học sinh - thế hệ trẻ, lực lượng lao động kế cận trong tương lai gần của đất nước. Trước bối cảnh chuyển đổi số, vấn đề kép đặt ra đối với mạng lưới trường sư phạm là: 1) Trường sư phạm sẽ thực hiện chuyển đổi số như thế nào? Lộ trình thực hiện ra sao? Cần nguồn lực gì? và 2) Trường sư phạm cần đổi mới chương trình đào tạo và các điều kiện thực hiện chương trình như thế nào để sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở trường phổ thông? Bài viết nhận diện những cơ hội, thách thức và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo giáo viên ở Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ số.